Giá nông sản ngày 12/2: Cà phê cao nhất 41.500 đồng/kg
Cụ thể, tại huyện Di Linh (Lâm Đồng) giá cà phê được thu mua với mức 40.900 đồng/kg. Tại Bảo Lộc (Lâm Đồng), Lâm Hà (Lâm Đồng) giá cà phê ở mức 40.800 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay ở mức 41.500 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (ĐắkLắk), Buôn Hồ (ĐắkLắk) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.400 đồng/kg.
Tại Pleiku (Gia Lai), La Grai (Gia Lai), giá cà phê hôm nay đang ở mức 41.400 đồng/kg. Còn tại huyện Chư Prông (Gia Lai) được thu mua với mức thấp hơn 41.300 đồng/kg.
Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp (Đắk Nông), giá cà phê được thu mua với mức tương ứng 41.400 đồng/kg, 41.300 đồng/kg.
Tại tỉnh Kon Tum giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 41.400 đồng/kg.
Như vậy, giá cà phê hôm nay đang dao động trong khoảng từ 40.800 - 41.500 đồng/kg.
Giá nông sản ngày 12/2: Cà phê cao nhất 41.500 đồng/kg. Ảnh: Lương Vinh
Trên thị trường thế giới, giá cà phê biến động trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 3/2022 được ghi nhận tại mức 2.284 USD/tấn sau khi tăng 0,22% (tương đương 5 USD).
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2022 tại New York đạt mức 251,65 US cent/pound, giảm 1,39% (tương đương 3,55 US cent).
Lo ngại về nguồn cung khan hiếm do điều kiện thời tiết ở Brazil - khu vực trồng cà phê arabica quan trọng của thế giới, và chi phí vận chuyển cao hơn đã khiến giá tăng vọt.
Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia, trong đợt này arabica chưa chắc thiếu hàng vì Brazil có sản lượng lớn, cách nói mất mùa chỉ là thu hoạch ít đi đôi chút chứ không phải mất mùa tạo nên tình trạng thiếu hàng trên thị trường. Bởi dù thời tiết không thuận lợi, tình trạng sương giá nặng thì hàng Brazil vẫn tràn ngập thị trường thế giới. Nguồn hàng sắp thu hoạch sẽ bổ sung khoảng 60 triệu bao sẽ sớm bù đắp lượng tồn kho thiếu hụt không đáng ngại hiện nay.
Trong khi đó, các thương hiệu lớn như Starbucks, Lavazza, Illy và Douwe Egberts vốn sử dụng cà phê arabica. Các điều kiện tạo ra nhu cầu eo hẹp ngày nay đã kéo dài trong nhiều tháng. Đáp lại, các nhà máy rang xay cà phê đã giảm dự trữ hạt arabica, chạm mức thấp nhất trong hai thập kỷ. Một số nhà rang xay đã bắt đầu chuyển sang cà phê robusta rẻ hơn.
Nhà sản xuất Brazil hiện vẫn mạnh tay bán bởi một lẽ đơn giản là giá cà phê arabica đang đứng ở mức cao hơn 10 năm, trong khi vụ thu hoạch chính năm nay sẽ bắt đầu từ tháng Tư với cà phê Conilon robusta và tháng Bảy với cà phê arabica vào năm cho sản lượng cao theo chu kỳ “hai năm một”.
Giá nông sản ngày 12/2: Tiêu tiếp tục tăng 500 đồng/kg
Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông giá tiêu hôm nay báo tăng 500 đồng/kg lên mức 82.500 đồng/kg.
Tương tự, tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay cũng tăng 500 đồng/kg, hiện được thu mua với mức 84.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Đồng Nai, Gia Lai giá tiêu hôm nay tăng 500 đồng/kg lên mức 81.500 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay đi ngang, hiện ở mức 84.500 đồng/kg.
Như vậy, giá hồ tiêu toàn miền hôm nay dao động trong khoảng từ 81.500 - 84.500 đồng/kg.
Theo số liệu từ Bộ Công nghiệp, Ngoại thương và Dịch vụ Brazil (MDIC), nhờ đẩy mạnh bán ra trong quý IV nên lượng hồ tiêu xuất khẩu của Brazil trong cả năm 2021 đã chạm mức kỷ lục 92,1 nghìn tấn, trị giá thu về 306,3 triệu USD, tăng 2,6% về lượng và tăng 65,3% về trị giá so với năm 2020.
Trong khi đó, giá xuất khẩu hồ tiêu của Brazil trong năm 2021 cũng tăng vọt 61,1% so với năm 2020, đạt mức cao nhất trong 4 năm với bình quân 3.327 USD/tấn (FOB).
Hồ tiêu của Brazil được xuất khẩu đến 111 thị trường trên thế giới. Trong đó, Đức giữ vững vị trí số một về thị trường tiêu thụ lớn nhất của hồ tiêu Brazil chiếm gần 15% tỷ trọng với 13.552 tấn, tăng 2% so với năm 2020.
Ngoài ra, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Brazil tới một số thị trường khác như Ai Cập, Pakistan, Ấn Độ, Hà Lan,… cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Brazil sang hai thị trường quan trọng khác là Mỹ và Việt Nam sụt giảm mạnh 15% và 40,6% so với năm 2020.
Hiện nay, châu Âu là thị trường xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu của Brazil nhưng một trong những vấn đề hạn chế xuất khẩu của Brazil sang châu Âu chính là sự hiện diện của vi khuẩn salmonella trên hồ tiêu.
Trong năm 2022, các lô hàng tiêu đen từ Brazil xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải kèm theo giấy chứng nhận và kết quả phân tích chứng minh không có vi khuẩn salmonella.